Series tiếp theo dành cho những bạn mới bắt đầu chơi phím chắc chắn không thể bỏ qua chính là kiến thức cơ bản về profile Keycap. Chắc hẳn khi bạn tìm mua một bộ Keycap nào đó thì sẽ có thắc mắc những chữ Cherry Profile, SA Profile,…kế bên tên Keycap này là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài này nhé!
Profile Keycap là gì?
Profile keycap chính là độ cao và độ nghiêng của bộ keycap. Hai yếu tố này tạo thành một kiểu riêng cho từng loại keycap của mỗi hàng và góp phần tạo nên độ thoải mái khi gõ cũng như cảm giác thẩm mỹ cho các loại bàn phím cơ.
Trên thế giới hiện nay có khá nhiều loại Keycap khác nhau được thiết ra để tùy chỉnh riêng cho từng loại bàn phím hoặc nhà sản xuất có thể thiết kế đại trà các loại keycap này cho mọi loại phím khác nhau.
Tìm hiểu các loại profile phổ biến cho người mới bắt đầu
1. OEM Profile Keycap
Đây là loại Keycap khá phổ biến, đa số những mẫu bàn phím cơ sẽ sử dụng OEM Profile do nhà sản xuất từ làm và thiết kế riêng cho một loạt một số mẫu bàn phím của hãng.
OEM là viết tắt của Original Equipped Manufacturer, nôm na là dạng profile từ lúc xuất xưởng. OEM có đặc điểm nổi bật là độ “trung tính” và làm quen dễ dàng tới mức bất cứ ai, người mới hay dân chơi lành nghề, bất cứ thói quen nào cũng có thể adapt trong vài nốt nhạc. Cụ thể, profile OEM:
- Các phím có độ cao vừa phải
- Bề mặt keycap có độ cong hợp lý vừa ôm lấy các ngón tay nhưng cũng không quá lõm vào để gây cảm giác chật chội
- Độ cong cũng được dàn đều theo chiều ngang và thẳng để phân bổ lực đều cho các đầu ngón tay, giúp gõ nhanh và chính xác mà không tốn quá nhiều sự tập trung.
- Rất nhiều tên tuổi bàn phím cơ danh tiếng đã không ngần ngại mang profile quốc dân nào dùng cho sản phẩm của mình như Filco, Steelseries, Razer, Zowie, Corsair…
2. Cherry Profile
Cherry lần đầu tiên thiết kế ra profile này dành riêng cho các bàn phím cơ chính hãng, và sau đó phổ biến quá nên được nhân bản ra nhiều lần bởi các nhà cung cấp Trung Quốc.
Đặc điểm chung của Cherry keycap là:
- Keycap dạng thấp với phần mặt trên phẳng đều.
- Riêng hàng cuối có độ nghiêng lớn để lấy lại thăng bằng và đỡ lại cảm giác mỏi nơi người dùng.
- Về kết cấu chung thì Cherry profile hầu như khá giống OEM, nhưng các phím thấp hơn và độ dốc được tinh chỉnh lại để phù hợp với toàn cục.
- Kiểu kết cấu được sắp xếp lại này giúp cho các phím Cherry profile cho cảm giác gõ nhẹ nhàng êm ái hơn hẳn so với OEM, âm thanh phát ra cũng rõ ràng sắc nét hơn nếu so sánh cùng chất liệu và trọng lượng.
3. SA Profile – Dành cho dân chơi Hardcore
SA là viết tắt của Spherical All, nghĩa là tất cả các hàng đều có dạng cầu, dùng để chỉ hình dạng mặt trên của tất cả các keycap trong bộ SA profile (đều có hình cầu lõm xuống với độ nghiêng khác nhau theo dòng). SA là kiểu keycap sáng tạo bởi hãng SP (Signature Plastic – Mỹ) và độc quyền trong một thời gian (hiện nay đã có rất nhiều nhà sản xuất cùng làm ra nhóm profile này).
Đặc điểm quan trọng nhất của SA keycap là:
- Keycap thường có độ cao ấn tượng và làm từ chất liệu cao cấp chống ăn mòn và chịu lực, chịu nhiệt tốt, giúp cảm giác gõ của các switch bên dưới thăng hoa.
- Các keycap có độ nghiêng và độ lõm mặt khác nhau. Khi hợp lại thành hàng đặt cạnh nhau sẽ tạo ra tổng thể đường cong rõ ràng, chắc nịch, hài hòa và đẹp mắt (thấy rõ nhất khi nhìn nghiêng).
- Độ lõm trên mặt của SA keycap giúp các ngón tay trụ vững trên bàn phím kể cả khi gõ nhanh, cảm giác chắc chắn và ôm tay.
- Nhưng chính vì độ cao đặc trưng nên các SA keycap thường gây cảm giác mỏi tay khi dùng lâu (nên bàn phím dùng profile này nếu nhà sản xuất tinh tế sẽ luôn đi kèm với đồ kê cổ tay cho người dùng). Một số người còn cho rằng vì quá cao nên một số bộ keycap SA khi dùng lâu sẽ bị cảm giác lắc lư, nhất là với người gõ mạnh tay.
- Ký tự in trên SA keycap thường nắm giữa, hoặc nên góc trái/ phải, nói chung là khá linh động về vị trí.
- Với hình dáng đặc trưng này, SA keycap thường được lắp chung với các switch cần lực nặng tay để cảm giác bottom out đã nhất.
- À, một ưu điểm cuối cùng: lên hình rất rất đẹp. Dân chơi bàn phím muốn làm vài kiểu ảnh khoe cùng anh em thì làm gì làm cũng phải có ít nhất một bộ SA keycap. Lên hình bóng loáng, sang chảnh, chỉ nhìn đã thấy dày dặn và đắt tiền.
- Các bộ keycap SA thường có giá cao hơn keycap các profile khác. Do cần nhiều chất liệu nhựa hơn, số lượng sản xuất trong một lô thường ít và công nghệ in ký tự tiên tiến như doubleshot cũng khó làm hơn với các bề mặt kiểu SA. Nên các bộ keycap SA thường luôn có giá nhỉnh hơn
Các hãng sản xuất keycap dạng SA profile nổi tiếng trên thị trường hiện nay là: Signature Plastics (Original), Maxkey, ONECAP.
Filco là hãng bàn phím cơ thường dùng kiểu profile SA cho các bộ keycap set rời của mình nhất.
4. DSA Keycap
Cũng là sản phẩm tiên phong của nhà sản xuất SP. Và có nhiều khác biệt so với profile SA kể trên:
- Keycap dạng thấp và mặt keycap phẳng không có bất kỳ độ nghiêng nào.
- Bề mặt keycap tuy phẳng nhưng lại có một độ lõm rất nhẹ, đủ để ôm lấy các ngón tay khi gõ phím.
- Bệ mặt keycap rộng, cho cảm giác thoải mái không bị gò bó khi dùng.
- Ký tự trên DSA keycap thường nằm ở giữa để tương thích với độ lõm giữa nhẹ của bề mặt phím.
- Thiết kế profile DSA giúp người dùng đỡ mỏi tay hơn, ngón tay vừa vặn trên các phím. Nhưng vì phím thấp hơn nên đôi khi cảm giác gõ không “tôn” lên quá nhiều, đặc biệt với các switch dạng tacticle và clicky.
- Thường đi kèm với đa dạng các loại switch, và case không quá to. Nói chung phù hợp với kiểu bàn phím cơ tinh giản, gọn nhẹ và kiểu dáng thanh lịch.
- Kết cấu keycap dễ làm quen, dễ xài nhưng tổng hòa thì trông hơi chán, cả bàn phím trông nhạt không có điểm nhấn.
Hai nhà sản xuất keycap profile DSA lớn nhất hiện nay là Signature Plastics, YMDK và một số thương hiệu từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn.
Theo bình chọn của nhiều dân chơi phím cơ lâu năm thì xếp hạng profile keycap chơi game sướng nhất nên là: CHERRY > OEM > SA > DSA