Bàn phím custom là gì? Những điểm cần quan tâm khi build bàn phím custom cho người mới

Nội dung bài viết

    Bàn phím cơ custom luôn là chủ đề mà anh em chơi phím quan tâm với nhiều thứ hay ho mà những chiếc bàn phím bình thường sẽ không có được như thiết kế độc lạ, cảm giác gõ phím cực kì tốt, có thể tùy chọn switch, chất liệu bàn phím mà anh em mong muốn,…Với nhiều ưu điểm như vậy nên bàn phím custom luôn là lựa chọn hàng đầu của những anh em chơi phím lâu năm. Vậy đối với người mới bắt đầu chơi phím custom thì cần quan tâm đến những điểm gì?

    Bàn phím cơ custom là gì?

    Bàn phím cơ custom là bàn phím mà anh em có thể tùy biến các linh kiện một cách linh hoạt như switch, plate, case, keycap theo sở thích và phù hợp với nhu cầu cá nhân. Bàn phím custom có 2 dạng phổ biến là bộ kit bàn phím đã bao gồm case, plate phím, foam tiêu âm, người dùng mua về chỉ cần sắm thêm switch và keycap, còn dạng thứ hai là người dùng build từ đầu đến cuối như: đặt in mạch PCB, case, plate phím theo layout mà người dùng mong muốn và còn nhiều thứ khác nữa.

    Trước khi chọn bộ bàn phím kit hoặc tự build một bộ bàn phím cơ cần chú ý đến những điểm sau đây:

    1. Layout
       

      Khi chuẩn bị build một chiếc phím cơ, theo người viết thì layout là thứ mà bạn nên quan tâm đầu tiên vì nó là thứ ảnh hưởng rất nhiều đặc tính của một chiếc bàn phím. Từ cách thức bạn sử dụng phím cho đến giá cả khi mua linh kiện và độ thuận tiện khi chơi keycap… Tất cả đều do layout quyết định.

      Nếu bạn là người mới chơi và muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể cũng như dễ tìm linh kiện thay thế thì bạn có thể hướng đến layout 60%. Đây là chuẩn layout cực kỳ phổ biến ở phân khúc giá rẻ và tầm trung nên những linh kiện cho layout này thường không khó tìm, đồng thời giá cả cũng rất dễ chịu. Layout 60% cũng khá gọn gàng và tương đối dễ làm quen.

    2. Case
       

      Case càng cứng và càng nặng thì những nhát gõ chạm đáy của bạn sẽ càng chắc chắn và ổn định. Trong phân khúc tầm trung và giá rẻ thì case bằng nhôm nguyên khối rất phổ biến. Cao cấp hơn một chút sẽ có case bằng nhôm có kèm theo tạ bằng đồng để tăng khối lượng và độ ổn định cho case.

      Ngoài ra, cũng có những chất liệu ít phổ biến hơn như acrylic (trong suốt giúp show led gầm), gỗ (độc, cá tính, loại bỏ khả năng rò điện), nhựa (siêu rẻ, phù hợp cho người tập chơi).

    3. Plate
       

      Cũng như case, plate cũng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đồng, nhôm, mica, carbon… Trong đó, plate bằng nhôm và đồng khá phổ biến và dễ tìm, trong đó thì plate đồng thường đắt hơn plate nhôm khoảng 2,5-3 lần tuy nhiên lại cho cảm giác gõ được nhiều người đánh giá là tốt hơn. Chất liệu plate phi kim như nhựa, mica, carbon… Thì ít phổ biến hơn.

    4. Switch
       

      Một khi đã tiến đến cuộc chơi của phím custom thì cũng là lúc mà những chiếc bàn phím hãng đã không còn là đủ tốt đối với bạn nữa. Bạn có thể nghĩ đến những loại switch mới, ngoài những loại cơ bản như red, brown, blue để có được trải nghiệm thú vị hơn. Thay vì chỉ luẩn quẩn với switch quá quen thuộc của Cherry, biết đâu bạn sẽ có thể tìm được niềm vui mới đến từ Gateron, Kailh, Holy Panda… Thì sao?

    5. Keycap
       

      Đối với việc chơi phím cơ custom, keycap cũng là một mảng rất thú vị, chi phí cho việc mua keycap xịn và những chiếc keycap lẻ có thể dễ dàng vượt xa mức chi phí đầu tư mua phím ban đầu. Thật ra thì build phím cơ custom cũng không nhất thiết phải có đến vài bộ keycap và một đống keycap lẻ độc và lạ, tuy nhiên thì có chúng sẽ làm cho cuộc chơi của bạn trở nên kích thích hơn rất nhiều.

    Và đó là những điểm cần lưu ý trước khi anh em muốn chọn mua một bộ Kit bàn phím hay tự build một chiếc bàn phím cơ độc lạ cho riêng mình. Đối với những anh em newbie thì cần lưu ý chọn mua những linh kiện cần thiết vừa với túi tiền sao cho phù hợp với nhu cầu của mình nhé.