Cấu tạo của một chiếc bàn phím cơ gồm những thành phần nào?

Nội dung bài viết

    Bàn phím cơ là một thú chơi tao nhã mà một khi anh em đã dấn thân vào rồi thì khó mà dứt ra được, đặc biệt nếu đã là dân chơi sành sỏi thì chắc chắn không thể thiếu một chiếc bàn phím cơ custom trên bàn làm việc của mình. Nhưng nếu bạn là newbie mà chưa biết tới bàn phím cơ custom thì sao? Đừng lo lắng SiliconZ sẽ giới thiệu cho bạn những thành phần quan trọng của một chiếc bàn phím cơ trước khi dấn thân vào con đường đam mê phím không lối thoát này.

    Các thành phần không thể thiếu đối với một chiếc bàn phím

       1. Keycap

    Keycap hiểu nôm na là chiếc nút được in các kí tự chữ và số bọc bên ngoài switch để ta có thể gõ và tương tác với các thiết bị điện tử. Đây là phương tiện để chúng ta thao tác gõ, ấn phím để đưa dữ liệu đầu vào cho bàn phím. Keycap thường được phân loại theo profile keycap, chính là chiều cao và độ nghiêng đặc trưng mà mỗi hãng thiết kế riêng cho bộ keycap của mình. Keycap có thể được thay thế dễ dàng theo từng bộ/ set hoặc theo từng keycap lẻ. Keycap được làm từ chất liệu nhựa, có thể là nhựa ABS hoặc PBT, hoặc thậm chí làm từ hợp kim cao cấp với một số loại bàn phím kiểu typewriter ngoại hạng. Nhắc đến keycap, khi chọn mua hoặc tìm hiểu, anh em sẽ cần nhớ tới các thuật ngữ sau đây:

    • Chất liệu
    • Profile keycap
    • Kỹ thuật in ký tự trên keycap
    • Độ dày của keycap (phần nhựa được đúc dày hay mỏng này có thể tạo nên cảm giác khác nhau khi gõ phím).

       2. Case (Vỏ bàn phím)

    Phần vỏ viền bên ngoài của mỗi chiếc bàn phím thường làm bằng nhựa hoặc kim loại. Có thể có thiết kế sắc cạnh hoặc bo tròn tùy chủ ý của nhà sản xuất. Tác dụng của case không chỉ dừng lại ở việc gom gọn bố cục của toàn bàn phím, hay tạo nên một vẻ ngoài đặc trưng mà còn tạo nên cảm giác chắc chắn hay không, nhất là ở ấn tượng đầu tiên khi mới cầm chiếc bàn phím trên tay, chưa bấm chưa thao tác gì. Đây chính là lúc một chiếc case chắc chắn, cao cấp sẽ làm bạn bị hớp hồn.

       3. Switch – Linh hồn của mỗi chiếc bàn phím cơ

    Là phần nằm dưới các phím, nối với các phím bởi stem chữ thập (thường là vậy). Đây là bộ phận truyền tín hiệu, và là cốt lõi của một chiếc phím cơ, mọi thao tác, vận hành, âm thanh, cảm giác gõ đều nhờ vào switch mà có. Bàn phím cơ khác biệt lẫn nhau, và hoàn toàn khác với các bàn phím thông thường nhờ vào switch.

       4. PCB – Printed Circuit Board: Bảng mạch in

    Switch là trái tim, còn PCB chính là linh hồn của bàn phím cơ. Tất cả các chức năng, nối kết giữa các thành phần còn lại khác trên chiếc bàn phím đều nằm trên bảng mạch in này. Thông thường các switch sẽ được hàn chi tiết với độ chính xác cực cao lên trên PCB.

       5. Plate – phần không thể thiếu của những chiếc bàn phím cơ hiện đại

    Plate là phần đặt phía trên PCB, có chức năng chính là giúp cố định các switch được hàn lên trên PCB trước đó. Nghe có vẻ đơn giản và không quan trọng nhưng nếu bạn thử qua một chiếc bàn phím có plate làm từ kim loại thường, không cao cấp, và nối kết không quá chặt chẽ vào PCB thì sẽ hiểu vì sao các bàn phím cơ giá cao luôn chú trọng rất nhiều vào Plate. Plate tốt sẽ giúp phím ấn xuống không bị lắc lư, cảm giác ấn phím cũng chắc nịch và rõ ràng hơn rất nhiều. Chưa kể một số plate còn có khả năng chống ẩm, chống nước giúp hỗ trợ rất tốt cho tuổi thọ của toàn bàn phím.

    6. Stabilizer: bộ ổn định của bàn phím cơ

    Là bộ phận giúp tạo cân bằng ổn định phím, đặc biệt cho các phím dài hoặc có hình dáng to lớn hơn bình thường. Phổ biến nhất là bộ ổn định Cherry, tương thích với tất cả các dòng bàn phím cơ. Ngoài ra còn có Costar, loại stabilizer này thường xuất hiện trên các bàn phím cơ của Filco, Razer,…

       7. Đèn Led phím

    Với rất nhiều bàn phím cơ hiện đại thì bộ đèn LED/ RGB là yếu tố hầu như không thể vắng mặt. LED trên bàn phím cơ có thiết kế đa dạng, trong đó phổ biến là hình tròn, vuông và dẹt. LED tròn có tính phố biến cao nhất và giá cả cũng thấp hơn so với các hình còn lại.

    Có hai tùy chọn với hệ đèn LED trên bàn phím cơ: LED đơn sắc hoặc LED RGB thường có 16.8 triệu màu. Tùy theo thiết kế và sở thích riêng của mỗi người sẽ có chọn lựa khác nhau. LED đơn sắc tuy chỉ có một màu sắc duy nhất nhưng với các phím chức năng tùy chọn bạn có thể điều chỉnh độ sáng, hiệu ứng linh hoạt dễ dàng, cho ra hiệu ứng ánh sáng tinh giản, nhưng lung linh không kém hệ LED RGB. LED RGB thì có rất nhiều dãy màu, bạn tha hồ phối hợp biến hóa chúng cho không gian cực kỳ ảo dịu. Thường các hiệu ứng RGB cần được chỉnh qua phần mềm đi kèm bàn phím.

       8. Cable – Kết nối có dây cho bàn phím cơ chuyên nghiệp

    Các kiểu bàn phím cơ kết nối có dây thường được cho là chắc chắn, bền bỉ và cho độ trễ thấp hơn so với loại kết nối không dây (wireless). Có nhiều tranh cãi đã nổ ra cho đến tận hôm nay, nhưng dù gì thì cable đã và đang luôn là một phần không thể thiếu với một chiếc bàn phím cơ.

    Cable có kết cấu một đầu giắc cắm vào bàn phím, một đầu cắm vào CPU (thường dạng cổng USB). Tùy model, hệ máy và hệ điều hành mà các cable của bàn phím có thể khác nhau. Tính tương thích với các CPU khác nhau cũng có thể thay đổi tùy hãng. Người dùng cần lưu ý điều này khi chon mua bàn phím cơ kết nối dây.

    Với một số dân nghiện bàn phím cơ thì cable không chỉ đơn thuần là sợi dây kết nối mà còn là điểm nhấn thẩm mỹ cho bàn phím.